Đọc lại Tolstoy

Quyển sách số 7 mình bốc trúng sau khi hoàn thành xong quyển sách số 6 đó chính là “Người trong đêm hè” của nhà văn Phần Lan Frans Emil Sillanpää, người đã giành giải Nobel Văn học năm 1939. Đây là cuốn sách đầu tiên mình mua hồi đầu năm mới vì được một người bạn recommended là có ngôn ngữ đẹp, tả cảnh thiên nhiên rất hay. Ok mua. Tuy nhiên, phải viết in hoa mới được là TUY NHIÊN, trời ơi mình đã drop nó sau 20 trang đầu tiên, không thể cố nổi dù đã cố gắng hết sức. Mình có thể nói nó dở tệ được không (dù có thể nó không tệ đến nỗi ấy chẳng hạn). Hay là level Nobel nó luôn kì quặc thế nhỉ, không thể đọc nó được một cách dễ dàng (?). Ngôn ngữ đẹp, tả cảnh hay ở đâu không thấy, mình chỉ thấy nó lan man và rời rạc một cách vô đối. Đang tả bình minh trên cao nắng nôi dìu dịu thì tự nhiên rơi mje xuống cái hàng rào chuồng bò, đang cây lá trong vườn một sớm thì oạch cái ngã luôn vào đống chăn màn giường chiếu. Cảnh chuyển nó vô duyên kinh khủng khiếp í, chẳng có lấy một sự kết nối mượt mà gì hết. Miêu tả cái gì cũng rất non tay như kiểu trẻ con tập làm văn, giống như việc cố tình khoe mẽ những thứ lộng lẫy nhưng mà lại bí từ miêu tả, thành ra câu văn chỉ có liệt kê, liệt kê và liệt kê. Suốt 20 trang đầu mình cứ mê man với những miêu tả hổ lốn, vòng vèo chẳng ra đâu vào đâu cả, chẳng thấy đẹp, cũng KHÔNG NGẤM NỔI. Nó làm mình nghi ngờ khả năng đọc hiểu của bản thân vãi chưởng, mình tưởng là mình đang không tập chung đọc cơ, nên hôm sau mình đã dành thời gian đọc lại 20 trang đầu đó một cách nghiêm túc, nhưng đọc lại càng khiến mình khẳng định kết quả của lần đọc đầu: ĐÚNG là KHÔNG HAY thật. Thế là mình đã quăng nó đi luôn, quyển sách mỏng dính, vậy mà mình không tài nào đọc nổi.

Mình nhớ văn Nga cổ điển ghê gớm. Với mình văn học Nga cổ điển vẫn luôn là một thứ gì đó khác bọt, một next level đối với các dòng văn học còn lại. Thật không nói quá chút nào khi nói rằng: nếu đọc văn học Nga xong thì sẽ thấy miêu tả trong văn học Nga là đỉnh nhất. Thế là sẵn tiện trong cơn khát văn Nga, mình đã bỏ quy tắc đọc năm nay mà chọn luôn Tuyển tập truyện chọn lọc của cụ Lép. Vẫn như mọi lần: đọc đến đâu tỉnh đến đấy. Mỗi lần cầm sách là cày được một lèo 50 trang.

Cuốn này mình mua đâu đó hồi năm mình học lớp 8 đúng ngày Noel, mới vậy mà đã ngót nghét 15 năm rồi. Cuốn sách Liên Xô đầu tiên mình cầm đọc là Tuyển tập truyện của M. Solokhov (đọc ké của chị), sau đó khi tiệm sách gần chợ mở cửa, mình đã mua Truyện chọn lọc của Lev Tonstoy vì thấy hình như hai cuốn này cùng thuộc một seri, vì bìa giống nhau, sách giống nhau, chữ in rất đẹp, rất thơm mùi của sách cũ, lại còn NXB Cầu Vồng, in tại Liên Xô nữa chứ. Hồi đấy cuốn sách này là cuốn sách đẹp nhất mà mình từng biết. Giá tiền đâu đó loanh quanh 15-20k thôi nhưng với mình thì đó là cả số tiền lớn, tiết kiệm mãi mấy bữa ăn sáng mới gom đủ tiền mua. Dần dần sau này, dù mình mua sách 50k-100k-200k thậm chí là cả vài trăm ngàn nhưng không hiểu sao vẫn nhớ lần mua cuốn sách cũ đầu tiên này hơn cả. Lev Tolstoy thì quá nổi tiếng rồi, tên tuổi của cụ chính là bảo chứng cho các tác phẩm của cụ. Thế mà hồi đó mình đọc Tolstoy không hiểu, không hiểu được những câu chuyện của cụ và thấy sao mà khó đọc thế, lúc đó mình thấy như đang lạc vào thế giới khác, rất mơ hồ, nói tóm lại là khó đọc, khó hiểu, và chẳng còn chút ký ức nào về những truyện mình đọc cả.

Ngoài lề một chút: trong danh sách đọc của mình năm nay có Tolstoy vì năm ngoái mình đã chốt được một đơn super sale bộ 2 tập Anna Karenina tái bản mới coong (giá chỉ một trăm năm chục ngàn thôi í). Năm ngoái mình cũng đọc được một tác phẩm khác của cụ là “Bản sonate Kreutzer”. Cuốn này mỏng tang, nhỏ xíu nhưng đọc không hề dễ. Mình đã tốn một khoảng thời gian đánh vật với nó. Quote rải chằng chịt, triết lý, tư tưởng, suy nghĩ dọc ngang trang nào cũng có. Nói chung thì truyện chỉ là một phương thức để cụ nói lên những đúc kết về đời sống hôn nhân của bản thân cũng như toàn bộ tầng lớp quý tộc thời bấy giờ nhưng mà công nhận là có nhiều cái đúng thật. Càng ngẫm càng hay, có những cái mà khi đọc văn các cụ khác cùng thời kỳ thì bạn có thể lờ mờ nhận ra nó, có vẻ là hơi hơi hiểu một chút, thì đọc sang cụ Lev là cụ sẽ vạch toạc ra nói thẳng cho mà biết luôn mấy cái mình cảm thấy lờ mờ hơi hơi hiểu đó là gì. Thiệt. Không tin mọi người cứ tìm đọc thử mà xem. =)

Quay trở lại: Tuyển tập truyện này bao gồm các kiệt tác truyện vừa và truyện ngắn được cụ Lép sáng tác trong các thời kỳ khác nhau: “Truyện ngắn Xêvaxtôpôn” (1855-1856); Các truyện vừa : “Buổi sáng của một trang chủ” (1856), “Cái chết của Ivan Ilích” (1886), “Đức cha Xerghi” (1898), “Khátgi-Murát” (1904); Các truyện ngắn: “Luyx-ernơ” (1857) và “Sau đêm vũ hội” (1903).

Có một điều rất rất thú vị mà mình muốn kể với mọi người đó là mình đã gặp tới 3 ông Khátgi-Murát trong 3 tác phẩm văn học khác nhau. Đầu tiên là Khátgi-Murát trong “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Dưới góc nhìn của thực dân đế quốc – những kẻ đi xâm lược quốc gia/vùng đất khác thì Khátgi-Murát chỉ là một kẻ nổi loạn, kẻ cầm đầu một phiến quân dân tộc thiếu số cần phải dẹp bỏ/đàn áp. Mình nhớ là trong truyện này chỉ có một vài dòng ngắn ngủi có nhắc đến tên Khátgi-Murát mà thôi, nhưng mà mình nhớ như in là vậy. Khátgi-Murát thứ 2 mà mình biết là Khátgi-Murát của cụ Lev. Hồi đấy kiểu: Ồ, không ngờ Lev Tolstoy cũng viết về Khátgi-Murát. Khátgi-Murát này có giống với Khátgi-Murát được nhắc đến trong “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” không nhỉ? Hồi ý chưa có Google biết tuốt nên mình chẳng rõ vị này là ai, có nổi tiếng không? Phe chính hay tà. VÀ TẤT NHIÊN, tới giờ mình chẳng có tí ký ức gì về Khátgi-Murát của Lev Tolstoy cả, vì vậy nên, đọc lại truyện của cụ Lev vào lúc này là đúng thời điểm lắm lắm. Còn Khátgi-Murát thứ 3 mà mình biết đấy là Khátgi-Murát trong “Dagestan của tôi” – 1 vị thủ lĩnh/anh hùng dân tộc, 1 người con gan dạ, kiên cường của quê hương miền núi. Đấy, có mỗi một vị mà xuất hiện những ba phiên bản, được ba người kể trong ba tác phẩm khác nhau. Đọc sách thích thật ấy nhỉ? Hồi phát hiện ra sự trùng hợp nhỏ bé này, mình đã vô cùng phấn khích, chỉ dám reo lên khe khẽ trong lòng: Khátgi-Murát! Khátgi-Murát!

Còn bây giờ thì đọc sách tiếp thôi!  

Leave a comment

Start a Blog at WordPress.com.

Up ↑